399B Trường Chinh, phường 14, quận Tân Bình, TP.HCM
Trằm - theo cách gọi của nhân dân địa phương là bàu nước, còn có tên là bàu Giàng, có diện tích mặt nước khoảng 20ha, nằm giữa một vùng tiếp giáp giữa đồi cát và vùng đồng bằng ruộng trũng. Ðây là nơi hội tụ các luồng, mạch nước từ trong các cồn cát tiết ra, dẫn về theo vô số các các lạch nhỏ. Trải qua nhiều lớp cư dân từ người Chăm đến người Việt, bàu nước này đã được dân địa phương sử dụng để trở thành một công trình thủy lợi khá hoàn chỉnh với một hệ thống mương máng phục vụ tưới tiêu cho một vùng đồng ruộng phía tây làng Trà Lộc.
Tương truyền từ ngày xưa có ông tiên quẩy đôi quang gánh đi trên 9 tầng mây với một đầu là một viên đá dùng đánh lửa còn đầu kia là sọt cát để đi lấp biển. Trên đường đi chẳng may đòn gánh bị gãy, hòn đá rơi xuống và tạo ra cái Trằm, còn sọt cát thì tạo ra một sa động mang tên là động Cát Tiên. Lại có tích cho Trằm là nơi các vị thần linh, tiên nữ về hội tụ trong một lễ hội du thủy nên mới có tên là Bàu Giàng, còn động Cát tiên là nơi các tiên ông thường xuống chơi cờ. Truyền thuyết về Trằm Trà Lộc hoặc những câu chuyện được nhân cách hoá thực ra cũng để thỏa mãn nhu cầu được tự hào, ngợi ca và ngưỡng vọng của dân làng đối với một khung cảnh thiên nhiên trữ tình thơ mộng nằm giữa một vùng đồi cát trắng mênh mông trên dải trường sa của vùng Hải Lăng. Dẫu sao thì giữa một vùng đồi cát mênh mông, mùa hè nắng cháy rát bỏng lại tồn tại một bàu nước với một không gian xung quanh là một khu rừng thuộc thảm thực vật vùng cát xanh tươi thì có thể nói đấy như là một “cổ máy điều hoà” mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân nơi này.
Bao bọc xung quanh Trằm là thảm thực vật nguyên sinh được dân địa phương gọi là rú với một diện tích khoảng 65 ha; trong đó, một nửa gọi là Rú Cao, nửa còn lại là Rú Phá. Gọi là Rú Cao bởi từ bao đời nay theo quy ước bất thành văn của làng, khu vực này được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, không một ai được chặt cây, đốn củi dù là một nhành cây nhỏ. Còn khu Rú Phá thì cứ theo lệ 3 năm 1 lần làng cho toàn dân chặt ngang gốc để lấy củi. Chính vì thế, thảm thực vật xung quanh Trằm Trà Lộc được phân thành 2 khu vực rất dễ nhận diện. Khu vực vành đai phía Ðông nam và Tây bắc là khu bảo tồn tương đối nguyên vẹn. Ở đây, dải rừng nguyên sinh kéo dài từ góc Ðông nam bờ Trằm lên phía Tây Bắc giáp với Bàu Ông Vần tới gần 1km, chiều ngang hơn 50m. Chính dải rừng này đã tạo thành một vành đai có tác dụng chắn cát từ phía Tây tràn xuống để bảo vệ đồng ruộng. Ðây là khu bảo tồn được nhiều gen thực vật thuộc hệ sinh thái thảm thực vật vùng cát rất quý với nhiều cây lấy gỗ lâu năm, to đến một người ôm không xuể và cao hàng chục mét; có các loại cây quý hiếm như: tran, săng ve, đá lã, trai, rỏi, tràm, bông cấu…
Nhiều năm trước, trong các khu rú rậm có rất nhiều loài động vật, thú cư trú và sinh sản như: chồn, báo, sóc, gà rừng, rắn... cùng rất nhiều loài chim khác. Trong lòng hồ, ngoài hàng chục loài cá tự nhiên còn có các loại chim như: le le, ngổng trời, vịt trời, sếu, vạc...đua nhau tìm kiếm thức ăn khuấy động cả mặt hồ trông thật vui mắt.
Bốn phía xung quanh bờ trằm, trên những dải đồi cát thoai thoải với các vùng rú cây cối lúp xúp là những khu vực nghĩa địa của dân làng. Thấp thoáng ẩn hiện giữa các lùm cây là những lăng mộ được kiến trúc theo nhiều dáng kiểu thuộc các thế hệ từ thời khai khẩn khai canh cho đến tận ngày nay. Ðây khôngchỉ là không gian tâm linh, tỉnh tại, cổ kính của Trằm Trà Lộc mà còn tạo thêm những nét chấm phá trữ tình làm cho không gian tự nhiên này càng thêm nhiều sắc màu văn hóa.
Ðứng ở vị trí có tên là Ðập Máng vào mùa mưa, khi nước trong lòng hồ dâng cao, người ta sẽ thấy một dòng nước liên tục chảy từ lòng hồ đổ xuống hệ thống mương để thoát về sông Vĩnh Ðịnh tạo ra như một dòng thác với âm thanh réo rắt nghe khá vui tai. Lợi dụng địa hình cồn - bàu, ngay từ xa xưa, những cư dân cổ Chămpa đã đắp đập ở phía Ðông của bàu nước - nơi tiếp giáp với đồng ruộng để tạo ra hồ chứa; sau đó, đào kênh, khơi mương để dẫn nước tưới cho đồng ruộng. Bàu Giàng Trà Lộc và Bàu Ông Vần Trà Trì là hai công trình thủy lợi cổ có từ thời Chăm mà vai trò của nó đối với sản xuất nông nghiệp còn có ý nghĩa quan trọng cho mãi tới những năm 80 của thế kỷ này - trước khi có hệ thống đại thủy nông Nam Thạch Hãn.
Mới đây, trong năm 2000, một số người dân địa phương cho biết là trong khi đào hồ nuôi cá quanh khu vực Bàu Giàng họ đã tìm thấy những khung gỗ hình tròn nguyên là từ một thân cây được khóet rỗng bên trong, có thành dày khoảng 10cm, đường kính khoảng hơn 1m và cho rằng đó chính là những “bi” giếng bằng gỗ dùng để tạo ra thành của những giếng nước. Ðó chính là những giếng cổ của người Chăm xây dựng trên địa hình vùng cát.
Người Việt hai làng Trà Lộc và Trà Trì đã kế thừa thành quả của người Chăm cả về phương diện kinh tế lẫn văn hóa. Chính tên gọi Trà Trì (tên chung cho cả hai làng thời kỳ đầu, thế kỷ XV - XVI) cũng gợi lại hình ảnh của công trình thủy lợi này (nghĩa tiếng hán dịch ra là Bàu nước của làng Trà) Sau khi tách thành hai làng thì Trà Lộc cũng tức là hàm nghĩa về sự xưng tụng nguồn lợi mà bàu nước này mang lại.
Ðặc biệt, bên trong khu vực Lùm Giàng, phía Tây bắc Trằm Trà Lộc trước đây đã từng có một đền tháp Chăm tồn tại nhưng ngày nay chỉ là phế tích, rải rác đây đó là một vài mảnh gạch vỡ còn sót lại. Phía trước ngôi miếu Bà Giàng vẫn còn hiện hữu một bệ Yoni bằng đá sa thạch. Người Việt ở làng Trà Lộc đến định cư, lập làng ở vùng này (cuối thế kỷ XV) khi mà ngôi tháp đã bị đổ nát. Họ xây cất lên đó một ngôi miếu để thờ phụng lại chính thần linh xưa của người tiền chủ. Và chính họ cũng đã mô phỏng lại “chân dung” của vị thần Siva - biểu tượng bằng Linga - với ít nhất là hai “chỏm hình cầu” bằng vôi gắn vào giữa Yoni để thờ phụng với mục đích cầu mong sự tốt đẹp cho mùa màng, sự sinh sôi nãy nở cho muôn vật, muôn loài.
Ðiều đáng nói thêm là ở quanh khu vực Lùm Giàng cũng như ven Bàu Giàng của làng Trà Lộc, những năm gần đây, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy nhiều di vật khảo cổ học như những chiếc rìu, bôn đá, bàn mài...từ thời đại cuối đá mới, sơ kỳ kim khí; trống đồng thuộc giai đoạn văn hóa Ðông Sơn cách ngày nay từ 2.000 - 2.500 năm và nhất là những đồ gốm sứ thuộc thời kỳ trước và trong giai đoạn phát triển của vương quốc Chămpa; trong đó có nhiều đồ bán sứ Trung Hoa dưới các thế kỷ VII - IX như gốm sứ Hán, Lục triều, Ðường... Ðây là những bằng chứng về sự định cư lâu dài, liên tục của các lớp cư dân dọc dải cồn cát tiểu trường sa nói chung, quanh Trằm Trà Lộc nói riêng trong lịch sử từ xa xưa đến tận ngày nay.
Trong công cuộc đổi mới và phát triển của quê hương, Trằm Trà Lộc đã và đang trở thành khu du lịch sinh thái hấp dẫn đối với nhân dân Quảng Trị. Một dự án du lịch sinh thái đã được mở ra bằng việc quy hoạch diện tích Trằm Trà Lộc mở rộng khoảng 100ha, xây dựng đường giao thông, các trục đường nội bộ bao quanh Trằm, bãi đổ xe, nhà nghĩ, các cơ sở dịch vụ đủ tiêu chuẩn và một số hạng mục khác sẽ được triển khai thực hiện trong một ngày gần đây. Hướng mở mới cho việc khai thác tiềm năng du lịch chắc chắn sẽ đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân tỉnh nhà và du khách mọi nơi.
Trằm Trà Lộc là một bức tranh thuỷ mặc hữu tình, một nơi du lịch sinh thái - văn hóa hấp dẫn và lý tưởng. Những ngày hè nóng bức, những mùa thu ấm mát du khách về với Trà Lộc sẽ được thưởng ngoạn, được hít thở cái không khí trong lành của lá phổi tự nhiên hòa quyện với hương sen, hương lúa nồng ấm tình người.